Thoát vị đĩa đệm và cách phòng ngừa

Thoát vị đĩa đệm là một tình trạng tổn thương phổ biến ở đốt sống, gây đau nhức, yếu cơ và tê mỏi tay chân. Nếu không được điều trị kịp thời, đĩa đệm bị thoát vị có thể chèn ép lên tủy sống và rễ thần kinh gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, trong đó phải kể đến rối loạn chức năng của ruột và bàng quang.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm là lớp ”nệm” lót nằm giữa các đốt sống giúp giảm xóc và giảm ma sát, tránh tổn thương xương cột sống trong quá trình vận động. Một đĩa đệm được cấu tạo nên từ 2 phần: Phần bao bọc bên ngoài là những sợi hình khuyên và dai gọi là bao xơ, còn phần nằm bên trong có đặc tính mềm và sền sệt dạng gel gọi là nhân nhầy.

Khi vòng bao sơ bị nứt hoặc rách, nhân nhầy se tràn ra ngoài, chèn ép dây thần kinh gây đau nhức dọc cột sống và tê mỏi tay chân. Hiện tượng này chính là thoát vị đĩa đệm mà nếu không được điều trị sớm, khi nhân nhầy chèn ép lên rễ thần kinh hoặc lọt vào ống sống dẫn đến nguy cơ bại liệt và ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác như ruột, bàng quang.

Thoát vị đĩa đệm và cách phòng ngừa

Những vị trí thoát vị đĩa đệm thường gặp

Đĩa đệm của bất kỳ vị trí nào trong cột sống cũng đều có thể bị thoát vị. Tuy nhiên, tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống xảy ra phổ biến nhất là ở cột sống thắt lưng và cột sống cổ bởi các đốt sống ở hai điểm này di động hơn cả (cử động liên tục để đáp ứng nhu cầu vận động của cơ thể).

  • Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường gây ra cảm giác đau nhức lan tỏa từ cổ, vai, cánh tay đến bàn tay. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhận thấy cánh tay hoặc bàn tay bị tê và yếu đi đáng kể. Mặc dù, đĩa đệm vùng cột sống cổ bị thoát vị chủ yếu do chấn thương hoặc làm việc sai tư thế, nhưng không loại trừ trường hợp tự phát. Thêm nữa, không phải ai bị thoát vị đĩa đệm vùng cổ cũng biểu hiện hiện đau, tê rõ ràng ngay từ khi khởi phát, thế nên việc thăm khám và chụp phim là cơ sở để chẩn đoán chính xác bệnh lý.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Cũng như đốt sống cổ, thắt lưng là nơi phải chịu áp lực vận động lớn nên tổn thương đĩa đệm là khó tránh khỏi. Và khi đĩa đệm ở cột sống thắt lưng gặp trục trặc sẽ gây ra các cơn đau chạy từ lưng xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân. Bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng dẫn đến yếu hoặc tê hai chân và giảm phản xạ ở đầu gối, mắt cá chân. Nguy hiểm hơn, những người gặp phải vấn đề này có thể phải đối mắt với chứng rối loạn chức năng đường ruột và bàng quang (chèn ép đuôi ngựa), ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Thoát vị đĩa đệm rất hiếm khi xảy ra tại vùng đốt sống ngực vì cấu trúc của phần đốt sống này khá cố định, được liên kết chặt chẽ với các xương sườn để bảo vệ các cơ quan nội tạng. Do đó, khi nhắc đến thoát vị đĩa đệm, người ta nghĩ ngay đến đĩa đệm đốt sống cổ hoặc đĩa đệm thắt lưng.

Các giai đoạn tiến triển của thoát vị đĩa đệm

Căn bệnh này diễn tiến chậm và được phân chia thành 4 giai đoạn dựa vào mức độ dịch chuyển và biến dạng của nhân nhầy đối với bao sơ bên ngoài, cụ thể:

  • Phình đĩa đệm (Disc protrusion): Đây là giai đoạn khởi phát nên mọi biểu hiện đều chưa rõ ràng và không liên tục, rất khó để nhận biết. Phần nhân nhầy bắt đầu có sự thay đổi nhỏ, nhưng vẫn nằm nguyên trong vòng khuyên bao xơ.
  • Lồi đĩa đệm (Prolapsed disc): Bao xơ bắt đầu bị suy yếu nên bị nhân nhầy đẩy ra xa tạo thành khối phồng (lồi). Dù vậy, nhân nhầy chưa hoàn toàn thoát khỏi vòng kiểm soát của bao xơ nhờ những sợi khuyên ngoài cùng vẫn giữ được độ bền và dẻo dai.
  • Thoát vị đĩa đệm thực thụ (Disc extrusion): Lúc này, những vòng khuyên cuối cùng của bao xơ không còn đủ sức bọc giữ, bị rạn nứt hoặc rách nên nhân nhầy thoát hẳn ra bên ngoài (nhưng khối nhân nhầy vẫn liên kết với nhau). Khi nhân nhầy tràn ra khỏi khe hở bao xơ, đè lên dây thần kinh cột sống gây ra cảm giác đau nhức và một số triệu chứng đi kèm như tê, rát hoặc ngứa ran.
  • Thoát vị đĩa đệm có mảnh rời (Sequestered disc): Khối nhân nhầy thoát khỏi bao xơ có xu hướng tách ra thành các mảnh nhỏ, chèn ép phần lớn rễ thần kinh hoặc rơi vào ống tủy khiến cơn đau dữ dội hơn, nhiều người bệnh bắt đầu có dấu hiệu teo cơ và không làm chủ được tiểu tiện. Có thể nói, đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất và thường phải can thiệp bằng phẫu thuật mới cải thiện được tình hình.

Nếu phát hiện thoát vị đĩa đệm ở 2 giai đoạn đầu (thoát vị chưa hoàn toàn), khả năng hồi phục rất cao. Chính vì thế, để không bỏ lỡ thời điểm vàng điều trị, bạn cần nắm rõ những biểu hiện đặc trưng nhất của căn bệnh này.

Dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện ở một bên cơ thể và phụ thuộc vào vị trí của đĩa đệm cũng như mức độ thoát vị (có đè lên dây thần kinh hay không). Bạn có thể nhận biết sớm bệnh lý dựa vào một số biểu hiện cơ bản sau:

  • Đau nhức: Cảm giác đau nhức là “đặc sản” của thoát vị đĩa đệm. Nếu thoát vị đĩa đệm ở cổ, bạn sẽ thấy đau nhất là vai gáy và cánh tay. Nếu thoát vị đĩa đệm ở thắt lưng, cơn đau sẽ tập trung vào phần mông, đùi, bắp chân và bàn chân. Cơn đau gia tăng khi bạn ho, hắt hơi hoặc di chuyển. Và đau trong thoát vị đĩa đệm được mô tả giống như bị bỏng rát.
  • Tê và ngứa ran: Những người bị thoát vị đĩa đệm thường bị tê hoặc ngứa ran ở phần cơ thể có dây thần kinh bị đĩa đệm chèn ép chạy qua. Ở giai đoạn 2, khi nhân nhầy có xu hướng dịch chuyển, hiện tượng tê tay, tê chân đã bắt đầu xuất hiện, nhưng hầu hết hết mọi người thường bỏ qua tín hiệu này.
  • Yếu cơ: Cơ bắp liên kết chặt chẽ với các dây thần kinh, nên khi dây thần kinh bị tổn thương, chúng cũng bị suy yếu đi. Điều này khiến bạn dễ vấp ngã lúc đi bộ và giảm khả năng nâng đỡ, cầm nắm.

Bạn có thể nhầm lẫn các triệu chứng và dấu hiệu thoát vị đĩa đệm với một số tình trạng hoặc vấn đề y tế khác. Vậy nên, việc đến bệnh viện uy tín để chẩn đoán là thật sự cần thiết, vừa giúp phát hiện sớm bệnh vừa xác định chính xác vấn đề bạn đang gặp phải.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm ở mỗi người không giống nhau và không phải ai cũng biết rõ nguồn cơn khiến đĩa đệm bị tổn thương là gì. Nhưng, hầu hết bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm xuất phát từ 2 lý do chính dưới đây:

  • Cột sống bị tổn thương: Vận động quá mức, sai tư thế và lặp đi lặp lại hoặc thay đổi chuyển động đột ngột, mang vác nặng… khiến cột sống bị tổn thương. Và khi cột sống bị hư hại, đĩa đệm làm sao tránh được “phiền lụy” khi chúng là lớp đệm lót nằm giữa các đốt sống, trực tiếp nâng đỡ cột sống.
  • Lão hóa tự nhiên: Theo thời gian, mọi bộ phận trong cơ thể sẽ dần bị suy giảm chức năng và cấu trúc. Đương nhiên, đĩa đệm của chúng ta không thoát khỏi quy luật chung này. Trước sự lão hóa tự nhiên, đĩa đệm bị mất nước, trở nên kém linh hoạt và dễ rách dù chỉ chịu lực tác động rất nhỏ từ bên ngoài. Thêm vào đó, cột sống lão hóa, giảm khả năng chống đỡ càng làm tăng áp lực lên đĩa đệm, khiến chúng chịu tổn hại nặng nề hơn.

Ngoài hai nguyên nhân chính này, phải kể đến các yếu tố gia tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm bao gồm:

  • Cân nặng: Trọng lượng cơ thể dư thừa (cân nặng vượt chuẩn tức là chỉ số BMI đã vượt qua mức 18,5 đến 22,9) gây thêm căng thẳng cho các đĩa đệm, nhất là đĩa đệm ở thắt lưng của bạn.
  • Đặc điểm nghề nghiệp: Những người làm công việc đòi hỏi càng nhiều sức lực lên cột sống, nguy cơ thoát vị đĩa đệm càng cao, điển hình là công nhân khuân vác, thợ xây, nông dân, người đứng hay ngồi lâu (thợ máy, hớt tóc, công nhân nhà máy)…
  • Di truyền: Một số người có khả năng thoát vị đĩa đệm khi người thân trong gia đình là “nạn nhân” của căn bệnh này.
  • Hút thuốc: Việc hút thuốc có thể làm giảm lượng oxy cung cấp đến đĩa đệm, khiến đĩa đệm bị lão hóa và hư hỏng nhanh hơn.
  • Lái xe thường xuyên: Ngồi trong thời gian dài kết hợp với các rung động và chuyển động của xe khiến đĩa đệm cùng cấu trúc cột sống bị tác động mạnh mẽ, tăng nguy cơ thoát vị.
  • Lối sống ít vận động: Vận động giúp đĩa đệm hấp thu dinh dưỡng và oxy tốt hơn. Vì vậy, đĩa đệm của những người có thói quen lười vận động hay ít vận động có thể bị thoát vị sớm hơn bình thường.

Thoát vị đĩa đệm hoặc do một nguyên nhân cụ thể hoặc bởi nhiều yếu tố khác nhau gây ra. Đặc biệt, bệnh không giới hạn ở bất kì nhóm đối tượng nào mà trải đều nguy cơ cho tất cả mọi người, ở mọi độ tuổi và ngành nghề.

Khi nào người bệnh thoát vị đĩa đệm nên gặp bác sĩ?

Dù bệnh tình của mình đang ở giai đoạn nào thì bạn vẫn nên tìm đến sự chăm sóc y tế ngay khi nhận thấy cơn đau xuất hiện bất thường ở cổ, lưng và lan dần xuống cánh tay, bàn chân. Tất nhiên, thời điểm cơn đau tồi tệ hơn, đi kèm hiện tượng tê bì, ngứa rát và yếu cơ, đến mức cản trở các hoạt động hàng ngày của bạn, việc gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị không còn là điều cần thiết nữa mà đã trở thành vấn đề cấp thiết. Nếu kéo dài hoặc trì hoãn thời gian khám bệnh, thoát vị đĩa đệm có thể gây ra những biến chứng khôn lường, điển hình như:

  • Rối loạn chức năng bàng quang và ruột: Nhân nhầy thoát ra khỏi bao xơ, chèn ép lên rễ thần kinh dẫn đến hội chứng chùm đuôi ngựa (Equina Cauda). Mắc phải hội chứng này, người bệnh sẽ không làm chủ được nhu cầu tiểu tiện và đại tiện của bản thân (bạn có thể khó đi tiểu ngay cả khi bàng quang đã đầy nước).
  • Mất cảm giác một vùng lớn:Hội chứng mất cảm giác yên ngựa (Saddle anesthesia) cũng là hậu quả của sự đè ép rễ thần kinh khi đĩa đệm bị thoát vị. Đúng như tên gọi, hội chứng mất cảm giác yên ngựa làm mất cảm giác ở đùi trong, mặt sau bắp chân và khu vực xung quanh trực tràng.

Như vậy, ngoài hệ vận động, nhiều cơ quan quan trọng khác của cơ thể chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi thoát vị đĩa đệm. Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống, chúng ta nhất định không được chủ quan trước bất kỳ biểu hiện nào cảnh báo đĩa đệm đang có nguy cơ bị trượt khỏi vị trí.

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm như thế nào?

Trong quá trình thăm khám và chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, bước đầu tiên là khám sức khỏe tổng quát và tìm hiểu tiền sử bệnh. Tiếp đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số động tác để kiểm tra:

  • Khả năng phản xạ của chân, tay.
  • Sức mạnh và độ dẻo dai của cơ bắp.
  • Khả năng đi bộ và phạm vi chuyển động.
  • Khả năng cảm nhận khi tiếp xúc với lực chạm nhẹ, kim châm hoặc rung lắc.

Kết quả của những thủ tục kiểm tra vận động và phản xạ cho phép bác sĩ kết luận tình trạng của bạn có phải thoát vị đĩa đệm hay không. Thế nhưng, để biết chính xác mức độ biến dạng của đĩa đệm, dây thần kinh nào bị ảnh hưởng và loại bỏ nghi ngờ về một tình trạng y tế khác, bác sĩ buộc phải làm thêm một hoặc nhiều xét nghiệm như:

Kiểm tra hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh mang đến cho bác sĩ những thông tin bệnh lý chi tiết nhất. Hiện nay, các kỹ thuật kiểm tra hình ảnh được áp dụng rộng rãi gồm có:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang thường không phát hiện ra đĩa đệm thoát vị, nhưng có thể loại trừ các nguyên nhân gây đau như khác, chẳng hạn như nhiễm trùng, khối u, gãy xương…
  • Chụp cắt lớp (CT scan): Máy chụp cắt lớp CT cung cấp hình ảnh cột sống và các cấu trúc xung quanh nó từ mọi hướng. Nhờ đó, bác sĩ có thể nhận diện nhận điện rõ đĩa đệm thoát vị và dễ dàng gọi tên được dây thần kinh bị ảnh hưởng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng sóng radio và từ trường để ghi lại hình ảnh bên trong cột sống – phương pháp chụp cộng hưởng từ được đánh giá là an toàn và xác nhận vị trí đĩa đệm bị thoát vị, dây thần kinh bị chèn ép chính xác nhất.

Kiểm tra thần kinh

Dựa vào dẫn truyền thần kinh cho phép bác sĩ xác định chính xác vị trí dây thần kinh bị tổn thương và đánh giá cụ thể chức năng của các dây thần kinh cũng như hoạt động của cơ bắp bằng cách gắn điện cực xuyên qua da. Tác dụng lớn nhất của giải pháp kiểm tra thần kinh là đo lường cụ thể các rối loạn ở rễ thần kinh khi chịu tác động của bệnh thoát vị đĩa đệm.

Nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật chẩn đoán, việc xác định thoát vị đĩa đệm không còn khó khăn như trước. Bạn nên đến bệnh viện uy tín để sử dụng những phương pháp chẩn đoán tiên tiến nhất, từ đó nhận được phác đồ điều trị thoát vị đĩa đệm phù hợp.

Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm bạn nên áp dụng

Từ những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ chia sẻ ở trên, chúng ta biết rằng: Thoát vị đĩa đệm không thể ngăn chặn triệt để, nhưng vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nếu áp dụng sớm một số lời khuyên hữu ích dưới đây:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Cân nặng hợp lý vừa giúp bạn sở hữu vóc dáng thon gọn, vừa phòng tránh được nhiều bệnh lý, trong đó có thoát vị đĩa đệm. Nếu bị thừa cân hoặc béo phì, bạn nên nghĩ đến việc giảm cân nghiêm túc ngay bây giờ.
  • Tập thể dục điều độ: Vận động điều độ (ít nhất 30 phút mỗi ngày) giúp tăng cường độ chắc khỏe và bền bỉ cho các bó cơ, từ đó ổn định cột sống và giảm tổn thương đĩa đệm.
  • Vận động đúng tư thế: Thực hiện các cử động đúng tư thế, như giữ lưng và cổ thẳng khi ngồi làm việc, không khom lưng đột ngột để nâng vật nặng, không lắc hoặc xoay cổ… sẽ làm giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm.
  • Từ bỏ hút thuốc: Thuốc lá là kẻ thù của sức khỏe. Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt nếu bạn muốn duy trì cơ thể khỏe mạnh với hệ xương khớp dẻo dai.
  • Nghỉ ngơi khi đau cột sống: Cột sống có thể bị đau mỏi khi bạn làm việc quá sức hoặc vui chơi quá mức. Những lúc như vậy, bạn nên nghỉ ngơi tuyệt đối để cột sống, bao gồm đĩa đệm phục hồi.
  • Bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho xương khớp: Dinh dưỡng là nền tảng để xây dựng và duy trì hệ xương khớp bền vững. Khi cột sống vững vàng, hoạt động trơn tru và linh hoạt sẽ giảm thiểu áp lực cho đĩa đệm giúp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm hiệu quả.

Một điều thiết thực nữa trong việc quản lý thoát vị đĩa đệm và các bệnh xương khớp đó là thăm khám y tế sớm. Phát hiện đĩa đệm có xu hướng thoát vị, khi bao sơ còn nguyên vẹn và nhân nhầy chưa bị biến dạng nhiều, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch “cứu nguy” kịp thời giúp tình trạng thoát vị không tiến triển nặng thêm, bảo toàn đĩa đệm và cấu trúc cột sống.

Một số câu hỏi thường gặp về thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tổn thương phổ biến mà rất nhiều người mắc phải. Do vậy, xoay quanh chủ đề này có hàng loạt thắc mắc được đưa ra để thảo luận và tìm đáp án.

Thoát vị đĩa đệm có tự khỏi được không?

Một khi đĩa đệm bị thoát vị sẽ không thể tự lành lại như ban đầu. Nhiều người sau khi uống thuốc giảm đau hoặc trị liệu nhận thấy cơn đau được cải thiện liền nghĩ đĩa đệm đã trở lại trạng thái ban đầu.

Đây là sự nhầm lẫn nguy hiểm bởi đằng sau cảm giác đau nhức đang được xoa dịu bằng thuốc, đĩa đệm vẫn tiếp tục bị hư tổn. Đừng chờ đợi “phép màu”, hãy điều trị theo phác đồ y khoa từ sớm để tăng hiệu quả phục hồi cho đĩa đệm bạn nhé!

Thoát vị đĩa đệm có điều trị khỏi hoàn toàn được không?

Bệnh thoát vị đĩa đệm không thể chữa khỏi hoàn toàn, ngay cả khi bạn đã tiến hành phẫu thuật thay thế đĩa đệm nhân tạo. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát và bảo vệ đĩa đệm bằng những hành động tích cực để bệnh không tiến triển nặng hơn hoặc duy trì đĩa đệm nhân tạo lâu nhất trong cột sống.

Khi nào người thoát vị đĩa đệm nên phẫu thuật?

Như đã nói, phẫu thuật là chỉ định cuối cùng, buộc phải áp dụng khi các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm khác (uống thuốc và vật lý trị liệu) không còn tác dụng. Chính xác hơn, trường hợp thoát vị đĩa đệm giai đoạn 4 là đối tượng cần tiến hành phẫu thuật loại bỏ phần nhân nhầy tràn ra ngoài, đè lên rễ thần kinh hoặc thay thế đĩa đệm nhân tạo nếu nhân nhầy và bao xơ không còn liên kết với nhau.

Thoát vị đĩa đệm có nên tập thể dục hay không?

Khi bị thoát vị đĩa đệm hay các bệnh lý xương khớp, bạn vẫn cần tập thể dục thể thao điều độ. Vận động giúp thư giãn cơ bắp, giảm áp lực lên đĩa đệm và giảm đau cột sống. Bạn có thể đi bộ, bơi lội, xà đơn hoặc tập yoga chữa thoát vị đĩa đệm mỗi ngày để tăng kết quả chữa bệnh.

Bạn đang đối mặt với nguy cơ thoát vị đĩa đệm hoặc đang phải chiến đấu với căn bệnh này, đừng quá lo lắng – tuân thủ kế hoạch chữa trị của bác sĩ, sinh hoạt khoa học và vận động đúng tư thế… phần đĩa đệm bị tổn thương sẽ không tiến triển nặng thêm và không làm cản trở chức năng vận động của bạn. Tốt hơn nữa, bạn nên bổ sung thêm dưỡng chất chuyên biệt cho xương khớp để tăng cường độ dẻo dai và chắc khỏe cho cột sống.

Rate this post