SKĐS – Chính khí là tổng thể hoạt động công năng bình thường của cơ thể, khả năng điều tiết, thích ứng với hoàn cảnh, chống lại các yếu tố gây bệnh…
Cổ nhân cho rằng: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”, nghĩa là sức đề kháng và sức miễn dịch tốt thì mầm bệnh không thể xâm phạm vào cơ thể được.
Tác nhân gây bệnh xâm nhập được là do chính khí hư nhược hay nói cách khác là sức đề kháng, sức miễn dịch suy giảm.
1. Chính khí là gì?
Chính khí hay sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể bao gồm hai loại không đặc hiệu và đặc hiệu.
– Không đặc hiệu, hay còn gọi là khả năng phòng vệ không đặc hiệu của cơ thể: Bao gồm những chức năng như: Kích thích trung khu điều nhiệt tạo nên phản ứng sốt, phản ứng viêm tại chỗ, co mạch hay giãn mạch để điều hòa lưu lượng máu đến vùng bị bệnh; kích thích các tuyến nội tiết tiết ra các nội tiết tố phù hợp để hóa giải tác nhân gây bệnh; bao vây và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh thông qua hoạt động của các loại bạch cầu, tiểu cầu, và một số yếu tố khác (yếu tố đông máu, bổ thể…).
Một số chất đặc biệt của tế bào được tiết ra để ngăn ngừa và hóa giải các tác nhân gây bệnh (cytokin, interleukin)…
– Đặc hiệu, hay còn gọi là phòng vệ đặc hiệu: Bao gồm sự hình thành và hoàn chỉnh hệ miễn dịch của cơ thể, quá trình nhận biết kháng nguyên (vi trùng, virus, các chất lạ…) thâm nhập cơ thể, hình thành kháng thể đặc hiệu để chống lại và tiêu hủy những kháng nguyên gây bệnh; quá trình hoạt động của kháng thể để loại bỏ những kháng nguyên đặc hiệu…
“Chính khí mạnh thì tà khí lui” là nguyên tắc phòng chống bệnh của người xưa. Bởi vậy, việc thường xuyên bù đắp, bồi bổ và nâng cao chính khí là vấn đề hết sức quan trọng trong việc phòng chống bệnh tật, nâng cao tuổi sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
2. Nguyên nhân gây suy giảm chính khí trong cơ thể
Đối với mọi lứa tuổi nói chung và đặc biệt là ở người có tuổi và cao tuổi nói riêng, chính khí thường bị suy giảm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm các yếu tố bên ngoài như: Thời tiết khí hậu bất lợi, vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiễm độc, chấn thương, điều kiện sinh hoạt và làm việc không tốt, hoàn cảnh xã hội (mức sống thấp, điều kiện y tế thiếu thốn…), thiên tai, dùng thuốc không đúng cách…
Các yếu tố bên trong như: Bẩm thụ tiên thiên bất túc (thể chất kém, dị tật bẩm sinh), quá trình lão hóa tự nhiên, căng thẳng tinh thần tâm lý (rối loạn tình chí), mắc các bệnh lý nội ngoại khoa, suy dinh dưỡng, lối sống ít vận động, ngại tập luyện…
Tùy theo thể loại, mức độ và tính chất, những tác nhân gây bệnh này làm tổn hại chính khí, suy giảm sức đề kháng của cơ thể, trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe về cả tinh thần và thể xác, khiến cho bệnh nhẹ có thể đột biến thành bệnh nặng, bệnh nặng thì trở nặng hơn, thậm chí dễ gây tử vong.
3. Phòng bệnh và nâng cao chính khí như thế nào?
YHCT thường tuân theo nguyên tắc: “Trị bệnh tất cầu kỷ bản” (chữa bệnh phải biết và chữa tận gốc, loại trừ nguyên nhân gây bệnh), “phù chính khứ tà” (bù đắp và nâng cao chính khí, trừ bỏ tác nhân gây bệnh), điều chỉnh âm dương, điều hòa khí huyết, điều chỉnh tạng phủ, điều nhiếp tinh thần.
Tuy nhiên, nguyên tắc chỉ đạo lớn nhất chính là điều trị cầu bản, tức phải căn cứ vào nguyên nhân căn bản phát sinh bệnh tật để đề ra biện pháp điều trị phù hợp. Theo Hải Thượng Lãn Ông, phép chữa bệnh chính là lập lại cân bằng.
– Phù chính là sử dụng các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc, nhằm nâng cao chính khí, tăng cường thể chất, nâng cao sức chiến đấu của cơ thể với bệnh tật để đạt tới việc cơ thể tự diệt trừ tà khí và khôi phục sức khỏe.
– Khử tà là sử dụng các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc để trừ đi nguyên nhân gây bệnh làm nhiễu loạn cơ thể, đạt được mục đích bảo hộ và nâng cao chính khí, khôi phục sức khỏe.
– Điều chỉnh âm – dương tức là nhằm vào sự thay đổi thiên thắng hay thiên suy của âm dương trong cơ thể, áp dụng nguyên tắc tả phần hữu dư, bổ phần bất túc để âm dương khôi phục về trạng thái cân bằng. Điều hòa khí huyết là căn cứ vào thay đổi bệnh lý của khí huyết, áp dụng mối quan hệ tương hỗ của khí huyết, vận dụng nguyên tắc “hữu dư tả chi, bất túc bổ chi”, làm cho khí cơ thông lợi, khí huyết điều hòa.
Khí không có huyết không hòa, huyết không có khí không vận hành, khí và huyết là một âm một dương quan hệ tương hỗ mật thiết với nhau về mặt sinh lý, bệnh lý. Cho nên trong điều trị phải nhằm vào điều chỉnh mối quan hệ của khí huyết, làm cho khí huyết khôi phục trạng thái bình thường.
– Điều chỉnh tạng phủ là phải cân nhắc những rối loạn về khí huyết âm dương của tạng phủ, đồng thời phải chú ý đến mối quan hệ giữa các tạng phủ, để khôi phục lại trạng thái cân bằng vì cơ thể là một khối chỉnh thể hữu cơ, mối quan hệ giữa các tạng phủ là tương hỗ hiệp điều, trong sinh lý cũng như bệnh lý. Một tạng bị bệnh có thể ảnh hưởng đến tạng khác và ngược lại. Điều nhiếp tinh thần là vận dụng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc giúp bệnh nhân điều chỉnh trạng thái tinh thần, khôi phục sức khỏe.
4. Biện pháp phù chính của y học cổ truyền
Có thể phân ra làm hai nhóm: Không dùng thuốc và dùng thuốc
– Không dùng thuốc bao gồm các biện pháp như: Tránh căng thẳng tinh thần, giải tỏa tâm lý và luôn luôn lạc quan hoan hỉ; chế độ ăn uống cần đủ và cân bằng, trọng dụng đồ ăn thức uống có tác dụng bổ khí, tránh lạm dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá…;
Lựa chọn và tích cực tập luyện các môn thích hợp như khí công dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, cân ma đạt kinh, thiền, pháp luân công chuẩn mực…; tự xoa bóp hoặc được xoa bóp từng bộ phận và toàn thân, day bấm và châm cứu các huyệt vị có công năng bổ khí đặc sắc như Đản trung, Khí hải, Túc tam lý, Đại chùy…
– Dùng thuốc bao gồm các biện pháp như: Lựa chọn và sử dụng thuốc uống trong hoặc xông, xoa, bôi, đắp…bên ngoài dưới các dạng thuốc sắc uống, cao, đơn, hoàn, tán, rượu thuốc, trà thuốc, các món ăn -bài thuốc (dược thiện)… hoặc các thành phẩm đã được bào chế dưới dạng tân dược như viên nang, viên nén, bột thuốc, cao thuốc, siro, trà tan, dịch truyền, thuốc tiêm…
Trong đó, trên cơ sở “biện chứng luận trị” nhằm lập lại cân bằng âm dương, khí huyết, lấy phù chính để khứ tà, lấy khứ tà để phù chính cần trọng dụng các bài thuốc bổ khí như Tứ quân tử thang, Bổ trung ích khí, Dị công tán, Lục quân tử thang…, các vị thuốc bổ khí như Nhân sâm, Đẳng sâm, Thái tử sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Hoài sơn, cam thảo…
5. Nâng cao chính khí cần chú ý những gì?
– Khử tà để phù chính, vận dụng mọi biện pháp để trừ tà, nhất là khi tà khí thịnh, chính khí hư. Hay nói cách khác là lấy “công” làm “bổ”, công bổ kiêm trị.
– Chú ý yếu tố môi trường vì con người sống trong môi trường tự nhiên, chịu ảnh hưởng của khí trong trời đất, khí hậu của bốn mùa. Sự vận động của âm – dương trong giới tự nhiên với sinh lý và bệnh lý của con người có mối quan hệ mật thiết.. Vì vậy khi phù chính phải xem xét đến yếu tố âm – dương của trời đất, thay đổi của hoàn cảnh tự nhiên một cách hợp lý.
– Tu dưỡng đạo đức cũng làm tăng chính khí. Cổ nhân có câu “nhất chính áp bách tà“, không chỉ áp dụng trong mối quan hệ giữa người với người, mà còn rất được coi trọng trong việc giữ gìn sức khỏe. Việc nâng cao chính khí không thể không gắn liền với việc tu dưỡng đạo đức và giữ gìn lối sống sinh hoạt lành mạnh.
Ngày nay nhiều người không chú trọng gìn giữ phẩm cách, buông thả cầu lạc, vì lợi ích cá nhân mà không từ thủ đoạn, tự mình hủy hoại chính khí của bản thân, khiến tà khí dễ dàng xâm nhập mà phát sinh thành bệnh. Do vậy, theo quan điểm của YHCT, việc phù chính khứ tà không thể tách rời với việc tu dưỡng đạo đức và tâm tính.